Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá trang web của chúng tôi như thế nào?

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
6752

HƯỞNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN NHƯ XUÂN (25/81949 - 25/8/2024)

 

         Như Xuân là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa; có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng. Truyền thống đó đã tạo nên những giá trị văn hoá cao quý, mà hạt nhân chính là tinh thần yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết, thống nhất và ý chí kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Truyền thống cao quý đó càng được phát huy mạnh mẽ dưới ngọn cờ của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

              Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá được thành lập, đây là những sự kiện chính trị trọng đại, có ảnh hưởng, tác động sâu sắc, toàn diện, trực tiếp đến phong trào cách mạng của huyện Như Xuân. Nhiều người con ưu tú Như Xuân đã tiếp thu tư tưởng cách mạng và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản.

1.    Quá trình vận động tiến tới thành lập Đảng bộ huyện Như Xuân (8/1949)

Vừa là nơi có vị trí chiến lược quan trọng về mặt quốc phòng, miền núi Thanh Hóa còn là nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng của cuộc kháng chiến. Vận động phong trào cách mạng ở miền núi là việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng. Nhận thức rõ vị trí đó, Đảng ta đã chú trọng phát huy sức mạnh tại chỗ ở miền núi cho cuộc kháng chiến, đồng thời thông qua đó để tạo ra một vùng hậu cứ chiến lược cho cuộc kháng chiến cho nước bạn Lào.

              Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhân dân Như Xuân là xây dựng hậu phương, chi viện cho tiền tuyến. Huyện Như Xuân trở thành một ví trí đóng quân của Liên khu IV, vùng An toàn khu của Khu ủy Liên khu IV được hình thành. Tuy nhiên, lúc này, huyện Như Xuân chưa có tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương.

              Trước yêu của của cuộc cách mạng, theo chủ trương của Tỉnh ủy, tháng 6/1948, Ban Cán sự miền Tây đã cử đoàn cán bộ gồm 10 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Trọng Thản1 phụ trách về Như Xuân làm nhiệm vụ xây dựng và phát động phong trào cách mạng.

Đầu tháng 8/1948, Tỉnh ủy Thanh Hóa tăng cường cho Như Xuân một đoàn cán bộ dân vận, do đồng chí Nguyễn Xuân Liêm2 phụ trách, nhằm tổ chức và củng cố lại các đoàn thể quần chúng như: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Hội liên hiệp quốc dân  sự hướng dẫn của tỉnh, các đoàn thể sau thời gian bị lang đạo thao túng đã được củng cố và phát huy chức năng nhiệm vụ của mình. Nhân dân Như Xuân càng được giác ngộ về chính trị, nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ của mình đối với phong trào cách mạng ở địa phương. Thông qua hoạt động của Hội kháng chiến, tổ chức tập hợp quần chúng rộng rãi, phù hợp với các huyện miền núi lúc bấy giờ. Các tổ chức thu hút đông đảo Nhân dân, đặc biệt lực lượng dân quân và thanh niên tham gia những hoạt động xây dựng Đảng, thực hiện đường lối kháng chiến.

Được Khu ủy (ATK) rèn luyện và giáo dục, ngày 30/8/1948, đồng chí Mai Xuân Đình và đồng chí Đỗ Kế Sức - hai đảng viên đầu tiên của Như Xuân được kết nạp vào tổ Đảng nòng cốt của đoàn công tác đặc biệt. Sau nghi thức kết nạp, đồng chí Lê Đình Sằn - Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Ban miền Tây về dự và chỉ đạo đã tuyên bố: Kể từ ngày 30/8/1948 chuyển tổ Đảng công tác tại huyện Như Xuân thành Chi bộ Đảng Như Xuân, trực thuộc Đảng bộ miền Tây Thanh Hóa và chỉ định đồng chí Nguyễn Xuân Liêm làm Bí thư Chi bộ.
               2.  Sự kiện thành lập Đảng bộ huyện Như Xuân ngày 25/8/1949

Bước sang năm 1949, Tỉnh ủy và Ban Cán sự miền Tây phối hợp chặt chẽ với Khu ủy, thông qua Hội kháng chiến để tuyển lựa trong phong trào quần chúng nhiều nhân tố tiêu biểu, giới thiệu cho Đảng. Hàng chục đồng chí hội viên Hội kháng chiến là con em các dân tộc Như Xuân đã vinh dự được đứng vào đội ngũ tiên phong của Đảng quang vinh. Như vậy, chỉ trong vòng một năm hoạt động sôi nổi, vượt qua nhiều thử thách trở ngại, từ việc làm chủ phong trào quần chúng, Hội kháng chiến đã hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, giới thiệu đảng viên cho Chi bộ huyện Như Xuân. Trên cơ sở Hội kháng chiến và số đảng viên từ các xã, các tổ Đảng liên xã được hình thành. Đầu tiên là tổ Đảng Yên Cát - Thượng Ninh - Bình Lương - Thanh Quân, sinh hoạt với Ban ATK tại Lèn Ớt. Tiếp đó là thành lập tổ Đảng: cơ quan - Vĩnh Hòa - Yên Thọ đến tổ Mậu Lâm - Phú Nhuận, tổ Cán Khê - Xuân Du - Phượng Nghi và tổ Quảng Dạ - Thanh Kỳ. Sự ra đời của 5 tổ Đảng liên xã ở Như Xuân đã có đóng góp xứng đáng, quyết định trực tiếp về chuẩn bị mọi điều kiện chính trị - tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập của Đảng bộ huyện Như Xuân.

Ngày 25/8/1949, được sự thống nhất của Tỉnh ủy, Khu ủy và Ban Cán sự miền Tây, một sự kiện chính trị quan trọng đối với Nhân dân các dân tộc Như Xuân đã diễn ra. Chi bộ Như Xuân triệu tập Đại hội đảng viên toàn huyện tại doanh trại của An toàn khu ở thôn Đồng Ớt, xã Yên Cát (nay là Hóa Quỳ). Về dự Đại hội có 40 đảng viên (cả chính thức dự bị) tiêu biểu cho đồng bào các dân tộc Như Xuân giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, được rèn luyện thử thách qua Hội kháng chiến trở thành những nhân tố cộng sản đầu tiên về đây tự nguyện, đoàn kết hy sinh, phấn đấu vì lợi ích tối cao của dân tộc và của giai cấp.

Đại hội đảng viên đã vạch rõ những nhiệm vụ mà Đảng bộ và Nhân dân huyện Như Xuân phấn đấu thực hiện: Tăng cường công tác củng cố, phát triển Đảng để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng hiệu lực của chính quyền và các đoàn thể quần chúng, đưa phong trào toàn huyện phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc; Đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm; Tăng cường lực lượng vũ trang địa phương, cung cấp đầy đủ, kịp thời sức người, sức của hoàn thành nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến; Phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện đề cương văn hóa của Đảng, chống mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu. Đại hội thống nhất cao Nghị quyết và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 5 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Xuân Liêm được cử làm Bí thư Huyện ủy.

Sự ra đời của Đảng bộ huyện là kết quả của quá trình vận động cách mạng ở Như Xuân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, thông qua Ban Cán sự miền Tây của Khu ủy ảnh hưởng của phong trào cách mạng từ các huyện kế cận trong giai đoạn 1930 - 1949. Đây là mốc lịch sử khẳng định sự trưởng thành của sự nghiệp cách mạng Như Xuân mở ra thời kỳ phát triển toàn diện sự lãnh đạo thống nhất trong toàn bộ Đảng bộ.

3.    Đảng bộ huyện Như Xuân lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1949 - 1954)

               Đại hội Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ nhất diễn ra vào ngày 15/ 3/1950 đã đề ra chủ trương đẩy mạnh việc thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng, tích cực xây dựng hậu phương, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lươc.

               Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Như Xuân, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện đoàn kết, đồng lòng, tập trung xây dựng Như Xuân trở thành một trong những vùng hậu phương vững mạnh của tỉnh, căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

               Cuộc vận động tăng gia sản xuất, cải tiến kỹ thuật, thực hiện chính sách thuế nông nghiệp giành được kết quả cao, điển hình của tỉnh Thanh Hóa. Điều đáng tự hào là Nhân dân các dân tộc Như Xuân đóng góp công sức, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở kinh tế, quân sự của Trung ương và Quân khu đóng trên địa bàn. Sau 15 tháng gian khổ thi công xây dựng đầy gian nan vất vả, ngày 19 tháng 12/1951, lò cao kháng chiến Hải Vân - đứa con đầu lòng của ngành luyện kim (thuộc ngành quân giới) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mẻ gang đầu tiên.

               Huyện Như Xuân thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ, tu sửa cầu đường, đảm bảo giao thông thông suốt, tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược tiếp viện cho chiến trường, trực tiếp là chiến trường Tây Bắc; động viên toàn lực, tập trung cao nhất cho mặt trận Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

4.  Đảng bộ huyện Như Xuân lãnh đạo Nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, làm tròn nghĩa vụ chi viện cho tiền tuyến trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975)

               Sau ngày hòa bình lập lại (1954), Nhân dân Như Xuân tiếp tục khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa. Huyện Như Xuân vừa chi viện đội ngũ cán bộ đi tham gia cải cách ruộng đất, vừa cải cách dân chủ ở địa phương và đã thu được những thắng lợi cơ bản.

               Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ II (tháng 12/1958), cán bộ, đảng viên và Nhân dân Như Xuân tiến hành phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và đạt được thắng lợi quan trọng. Từ tổ đổi công, nhóm sản xuất, toàn huyện xây dựng được 47 hợp tác xã bậc thấp. Hợp tác xã Trung Thành (xã Yên Cát) trở thành điển hình tiên tiến của ngành Nông nghiệp các huyện miền núi Thanh Hóa.

               Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ III (nhiệm kỳ 1960 - 1962), lần thứ IV (1962 - 1964) đề ra những nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn 1960 - 1964): Phát triển nông nghiệp toàn diện, tập trung nghề rừng, thủ công nghiệp và lâm nghiệp; tiếp tục hoàn thành quan hệ sản xuất; nâng cao trình độ văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc. Kết quả, huyện Như Xuân đã tạo ra những biến đổi về nhiều mặt trong đời sống hội: bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho sản xuất, quan hệ sản xuất tập thể được củng cố; nền nếp quản lý mới được hình thành, bắt đầu có sự phân công lại lao động xã hội; đời sống Nhân dân các dân tộc có nhiều cải thiện.

              Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, để đảm bảo vai trò lãnh đạo các nhiệm vụ cách mạng tại địa phương, Đảng bộ huyện Như Xuân tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V (nhiệm kỳ 1964 - 1969), lần thứ VI (nhiệm kỳ 1969 - 1970) và lần thứ VII (nhiệm kỳ 1970 - 1972). Nhiệm vụ trọng tâm là chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và thực hiện nghĩa vụ hậu phương. Trước tình hình không quân Mỹ ồ ạt dội bom đạn đánh phá nhiều vùng của huyện Như Xuân, quân dân trong huyện phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức bắn máy bay địch tầm thấp trong các đợt tháng 4/1965, tháng 5/1965, tháng 4/1972. Với thành tích bắn hạ một chiếc máy bay Mỹ, quân và dân xã Hải Vân được Đảng và Nhà nước tặng thường Huân chương Chiến công hạng Hai. Đồng thời, trên mặt trận giao thông vận tải, với tinh thần “Địch đánh đường này, ta mở đường khác ta đi”, Như Xuân đảm nhận tốt vai trò sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông thông suốt.

              Tháng 5/1972, Đảng bộ huyện Như Xuân tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1972 - 1975), trong đó đề ra nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Như Xuân là chi viện cho tiền tuyến, ra sức phát triển kinh tế địa phương. Hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ chi viện cho chiến trường miền Nam. Mặt trận kinh tế có những chuyển biến tích cực. Diện tích, năng suất vượt kế hoạch và vượt tất cả các năm trước. Ngành tiểu thủ công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh. Về xã hội, 5 xã trong huyện hoàn thành cuộc vận động du canh du cư xuống núi định canh định cư.

              Đến tháng 4/1975, Đảng bộ huyện Như Xuân tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IX (nhiệm kỳ 1975 - 1976). Thực hiện Nghị quyết Đại hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Như Xuân tiến hành xây dựng và bảo vệ hậu phương; kiện toàn lực lượng dân quân, công an.

5.  Đảng bộ huyện Như Xuân lãnh đạo Nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chủ nghĩa xã hội (1975 - 1985)

              Đất nước thống nhất, Như Xuân cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn 1975 - 1985, Đảng bộ huyện Như Xuân tổ chức 4 kỳ Đại hội là: Đại hội đại biểu lần thứ X (nhiệm kỳ 1976 - 1978), lần thứ XI (nhiệm kỳ 1978 - 1979), lần thứ XII (nhiệm kỳ 1979 - 1982) và lần thứ XIII (nhiệm kỳ 1983 - 1986).

               Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Như Xuân tập trung trí lực, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm tòi mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ lãnh đạo tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện thêm quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, thực hiện cơ chế Khoán 100 trong nông nghiệp, mở ra khả năng ứng dụng kỹ thuật mới, thâm canh sâu trong sản xuất. Các hợp tác xã mạnh dạn phát triển nghề thủ công sản xuất gạch, ngói, vôi phục vụ xây dựng.

                Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được đẩy mạnh. Trong giáo dục, trường Phổ thông trung học Như Xuân I được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích giảng dạy, học tập.

               Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, hàng nghìn thanh niên Như Xuân tự nguyện vào bộ đội. Riêng năm 1978, huyện Như Xuân tiễn 865 thanh niên làm nghĩa vụ quân sự; năm 1979 tiễn 809 thanh niên và hàng chục sĩ quan dự bị vào bộ đội.

               Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng những kết quả đạt được trong giai đoạn 1975 - 1985 của huyện Như Xuân tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn bước vào thực hiện đường lối đổi mới.

6.  Đảng bộ huyện Như Xuân trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn từ 1986 đến nay

               Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, tháng 8/1986, Đảng bộ huyện Như Xuân tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XIV (1986 - 1988). Nghị quyết của Đại hội nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong những năm đầu sự nghiệp đổi mới là chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa phong phú đa dạng theo cơ chế mới. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XIV đánh dấu những bước khởi đầu thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện ở Như Xuân. Sau đó, các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV (1989 - 1991), lần thứ XVI (1991 - 1996) và lần thứ XVII (1996 - 1997) tiếp tục đưa ra chủ trương nhằm thúc đẩy sự nghiệp đổi mới.

             Trong 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, biến đổi sâu sắc nhất của huyện Như Xuân là chuyển biến về kinh tế, từ một huyện miền núi với kinh tế thuần nông đã có những biến đổi dần sang đa dạng hàng hóa.

              Thực hiện Nghị định số 72/CP ngày 18/11/1996 của Chính phủ, huyện Như Xuân được chia tách thành huyện Như Xuân và Như Thanh. Sau khi chia tách, địa giới huyện thu hẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành. Cơ chế chính sách đang dần hoàn thiện góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực.

              Trên cơ sở xác định những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tháng 6/1997, Đảng bộ huyện Như Xuân tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 1997 - 2000), xác định phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo, trong đó nhấn mạnh: Phát huy đầy đủ các thành quả đạt được và những nguồn lực của địa phương, tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa có hiệu quả. Tiếp theo, quán triệt các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy Thanh Hóa, các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2000 - 2005), lần thứ XX (2005 - 2010), lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2010 - 2015), lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tiếp tục đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh nhằm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

               Trải qua 28 năm chia tách huyện, thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (1996 - 2024), huyện Như Xuân đạt được những kết quả toàn diện, tạo ra những bước phát triển nhanh, mạnh về kinh tế, văn hóa - xã hội, thay đổi diện mạo quê hương và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.

Cơ cấu kinh tế từ thuần nông được chuyển dịch theo hướng phát triển toàn diện, trong đó chú trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Đến năm 2023, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản năm 2023 chiếm 29,6%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,4%; ngành thương mại - dịch vụ chiếm 28%.

Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh, tạo ra bước phát triển mạnh của ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chuyển hướng mạnh sang sản xuất hàng hóa; tích tụ tập trung đất đai, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất theo hình thức liên kết, tạo ra các chuỗi giá trị năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả, bền vững và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến năm 2023, huyện xây dựng 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Trồng trọt phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, có thị trường tiêu thụ; chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt. Chú trọng phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm (cây ăn quả, cây công nghiệp…). Các loại cây nguyên liệu (gỗ, mía, sắn, cao su) được duy trì và phát triển, bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Chủ trương cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao được đẩy mạnh.

Tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Tổng sản lượng lương thực tăng mạnh. Tổng sản lượng lương thực đạt tăng từ 15.463 tấn (năm 1997) lên 27.807 tấn (năm 2023). Giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 77,3 triệu đồng.

Phương thức chăn nuôi chuyển biến mạnh mẽ từ chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi có kiểm soát theo mô hình trang trại, gia trại, phát triển hiệu quả, bền vững. Đến năm 2023, toàn huyện có 212 trang trại, trong đó có 35 trang trại quy mô lớn, mang lại thu nhập bình quân đạt 250 triệu đồng/trang trại/năm.

Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng phát triển mạnh, đa dạng về ngành nghề. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 7,6 tỷ đồng. Đến năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 2.775 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải mở rộng, đa dạng các loại hình, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của Nhân dân.

Xây dựng cơ sở hạ tầng có bước tiến mạnh, thay đổi nhanh chóng diện mạo của huyện, nhất là từ năm 2011 thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, các công trình thủy lợi trên toàn huyện được đầu đồng bộ, khang trang. Đến nay toàn huyện 5 đạt chuẩn nông thôn mới, 54 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 3 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Về văn hóa - xã hội: Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng bản, khu phố, cơ quan văn hóa được đẩy mạnh. Công tác giáo dục, y tế được chú trọng về chất lượng. Đến năm 2023, toàn huyện có 41/51 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 95%, 100% trạm y tế có bác sỹ.

Huyện Như Xuân thực hiện tốt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ một huyện nghèo, có tỷ lệ hộ nghèo cao 34,7% (năm 2000), đến năm 2018, Như Xuân là huyện 30a đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được công nhận ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020. Đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của Như Xuân giảm còn 9,94%.

               Về quốc phòng, an ninh: Huyện Như Xuân xây dựng, bổ sung các phương án phòng thủ, sơ tán Nhân dân khi có chiến tranh, hoàn thành tốt công tác huấn luyện dân quân tự viên, quân dự bị động viên; tổ chức diễn tập cụm kinh tế - quốc phòng, an ninh, diễn tập khu vực phòng chủ. Công tác xây dựng cơ sở an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu được tăng cường.

               Nhìn lại chặng đường 75 năm thành lập, phấn đấu bền bỉ, Đảng bộ huyện Như Xuân từng bước trưởng thành về mọi mặt. Khi thành lập (tháng 8/1949), Đảng bộ huyện Như Xuân chỉ 40 đảng viên, 5 chi bộ Đảng sở; sau 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Như Xuân có trên 4.600 đảng viên, với 252 chi bộ, đảng bộ trực thuộc. Trong 75 năm qua (với 23 kỳ Đại hội), Đảng bộ huyện Như Xuân đã lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức nhưng nhân dân Như Xuân đoàn kết một lòng, cùng Nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đạt nhiều thành tựu khá toàn diện. Nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý, nổi bật như: Huyện Như Xuân được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (năm 1973), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2005), Huân chương Lao động hạng Hai (năm 2009), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2014); Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang xã Hoá Quỳ (năm 1998); Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang xã Thượng Ninh; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang xã Yên Lễ (năm 2000); Anh hùng lực lượng vũ trang Lục Vĩnh Tưởng (xã Thanh Lâm), Anh hùng lao động Phạm Ngọc Chức (xã Hải Vân), Anh hùng lao động Hà Văn Hồng (xã Xuân Phúc) và nhiều các tấm gương điển hình, tiên tiến trong học tập, lao động, sản xuất... góp phần xây dựng quê hương Như Xuân ngày một giàu đẹp, văn minh.

              Những thành quả đạt được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, cùng những thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa - hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng từ 1975 đến nay, có thể khẳng định, trong 75 năm qua, Đảng bộ huyện Như Xuân luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị trước mọi biến động; kiên định niềm tin sắt đá vào lý tưởng cộng sản; phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng tiến công và sức mạnh của khối đại đoàn kết trong Nhân dân. Chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành là một quá trình không ngừng nâng tầm về trí tuệ, bản lĩnh chính trị và sự đoàn kết, gắn bó máu thịt của Đảng bộ với Nhân dân.

               Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (25/8/1949 - 25/8/2024), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang trong huyện cùng đồng sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát huy tiềm năng lợi thế, phấn đấu đến năm 2025 là một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi tỉnh Thanh Hoá.

                                                                                                                    BAN TUYÊN GIÁO